Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 22/8/2018, 15:30 (GMT+7)

Ngọt thơm hương nhãn tiến Vua tháng 8

Trên nền phù sa được dòng sông Hồng đắp bồi, người Hưng Yên đến nay vẫn giữ nhiều kinh nghiệm chăm sóc giống nhãn lồng thơm ngọt tiến Vua.

Hưng Yên từ lâu được mệnh danh là thủ phủ của các loại nhãn như nhãn lồng, nhãn nước, nhãn gỗ, nhãn Hương Chi, nhãn Miền Thiết... Trong đó, nhãn lồng vẫn nổi tiếng thơm ngon hơn cả.

Vừa qua, hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cũng đã công bố dự án mang nhãn lồng Hưng Yên lên các chuyến bay làm món tráng miệng cho hạng Thương gia các tuyến nội địa và quốc tế xuất phát từ Hà Nội và TP HCM trong khoảng một tháng chính vụ - từ ngày 15/8 đến 15/9.

Trong nhiều loại nhãn Hưng Yên, nhãn lồng vẫn được tiếng là thơm ngon hơn cả. Ảnh: Bizmedia

Trong nhiều loại nhãn Hưng Yên, nhãn lồng vẫn được tiếng là thơm ngon hơn cả. Ảnh: Bizmedia

Nhãn lồng vỏ mỏng, ráo cùi, thơm, ngọt thanh, giòn nhẹ. So với nhiều giống khác hiện nay, nhìn bề ngoài tương đối khó phân biệt bởi quả nhãn lồng Hưng Yên cũng có quả tròn, vỏ quả màu vàng nâu. Nhưng khi bóc ra, người sành ăn sẽ dễ dàng phân biệt bởi cùi quả dày, ráo nước, nếm thử thấy có vị ngọt thơm đặc trưng, không gắt. 

Tại Phố Hiến, Hồng Châu, thành phố Hưng Yên đến nay vẫn còn lại cây nhãn tổ 400 năm tuổi. Các cụ cao niên tại đây nhắc lại, cây nhãn tổ ban đầu tên là nhãn tiến Vua vì quả dùng để tiến vua ba triều đại Hậu Lê, nhà Mạc, gần nhất nhà Nguyễn. Sách Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn còn ghi lại nhận xét về quả của cây nhãn này: "Bóc làn vỏ lụa vàng óng, đặt quả nhãn vào lưỡi thì tự quả tiết ra chất nước ngọt, thơm, mát tựa nước ngọc trời ban".

Cây nhãn tổ đã cung cấp nguồn gien quý để nhân thành vùng nhãn mang thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên hôm nay.

Cây nhãn tổ tại Phố Hiến, Hưng Yên. Ảnh: Bizmedia

Cây nhãn tổ tại Phố Hiến, Hưng Yên. Ảnh: Bizmedia

Kinh đô của nhãn lồng là vùng Phố Hiến, nằm bên bờ tả sông Hồng. Do thổ nhưỡng thích hợp, lại được phù sa từ dòng sông Hồng bồi đắp nên nhãn Hưng Yên cho quả ngọt thơm mà ít vùng đất nào sánh được.

Theo nhiều tài liệu còn ghi lại, từ xa xưa, nhãn lồng đã biến nơi đây thành vùng đất nổi tiếng nhộn nhịp. Thương lái từ khắp mọi nơi đổ về mong có thể thưởng thức một lần thức quả được vua chúa chọn làm đặc sản tiến cống bấy giờ.

Ngoài thổ nhưỡng thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây, kinh nghiệm của người dân trồng nhãn cũng góp phần không nhỏ làm nên danh tiếng của loại quả này. Người trồng nhãn nhiều năm chọn những cây có chất lượng tốt, năng suất cao để ghép cây; chủ động nuôi ong mật để đảm bảo tỷ lệ đậu quả cao. Ngoài ra, họ còn khoanh cành, cuốc đất xung quanh tán nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình ra hoa đậu quả sau này...

Mùa nhãn lồng kéo dài khoảng 3 tháng và chia thành nhiều đợt. Ảnh: Bizmedia

Mùa nhãn lồng kéo dài khoảng 3 tháng và chia thành nhiều đợt. Ảnh: Bizmedia

Thông thường, thời gian thu hoạch nhãn lồng Hưng Yên kéo dài khoảng 3 tháng và chia thành nhiều đợt. Đợt một là nhãn sớm, thu hoạch vào khoảng 10 ngày cuối tháng 7; đợt hai là nhãn chính vụ, rơi vào tuần thứ hai của tháng 9 và đợt ba là nhãn chín muộn, thu hoạch đến hết tháng 10 dương lịch hàng năm.

Nhãn lồng Hưng Yên hiện đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; áp dụng cho 4 khu vực thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ. Theo đó, nhãn đưa ra thị trường sẽ đóng vào túi lưới màu xanh có gắn nhãn mác, tem xuất xứ.

Với sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn một năm, hiện nay, ngoài thị trường nội tỉnh, nhãn lồng Hưng Yên được tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM, các tỉnh lân cận và xuất khẩu đi Trung Quốc. Sản phẩm này đồng thời được đẩy mạnh kết nối, quảng bá vào các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc...

Vũ Đậu

Chia sẻ bài viết qua email