Hủy
Góc chuyên gia Thứ bảy, 20/6/2020, 10:05 (GMT+7)

Những thách thức chuyển đổi số trong khởi nghiệp

Các chuyên gia nhận định chuyển đổi số là cơ hội song cũng là cạm bẫy nếu không đi sâu từ vấn đề cốt lõi của chính doanh nghiệp. 

Tại tọa đàm với chuyên đề "Chuyển đổi số - từ cơn sốt đến thực tế" phát sóng ngày 18/8 trên VnExpress, ông Bùi Thành Đô - Đại diện đến từ quỹ đầu tư Thinkzone Venture nhận định, trong hệ sinh thái chuyển đổi số ở Việt Nam, có nhiều cơ hội để các công ty khởi nghiệp lựa chọn. Theo đó, doanh nghiệp có thể chọn một ngành liên quan đến năng lực cốt lõi, hoặc tìm kiếm lợi thế trong nội tại công ty để thu hút khách hàng đến với mình.

Đại diện Thinkzone Venture, FPT và HeyU trong buổi toạ đàm Chuyển đổi số - từ cơn sốt đến thực tế.

Đại diện Thinkzone Venture, FPT và HeyU trong buổi tọa đàm "Chuyển đổi số - từ cơn sốt đến thực tế". Ảnh: Tuấn Cao

Tuy nhiên ông cũng cho rằng, trước khi khởi nghiệp, người đứng đầu phải nghiên cứu kỹ điều mà khách hàng cần, không nên nghĩ đến cái mình có. "Nhiều người thường làm trước khi nghĩ, dẫn đến rủi ro cao hơn, vừa mất tiền, mất công sức và mất cả niềm tin của các nhà đầu tư", ông nói.

Đối với xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực vận hành, vị chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp cần phải hiểu bản chất chuyển đổi số chứ không nên chạy theo cơn sốt, đồng thời phải soi chiếu lại hệ sinh thái, môi trường kinh doanh của công ty xem có phù hợp và cần thiết hay không.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Huy Bảo Giang - Giám đốc chuyển đổi số FPT nhận định, quá trình ứng dụng số hóa sẽ có nhiều khó khăn, về tài chính, quy trình... "Vì vậy các nhà sáng lập cần phải tự hỏi liệu đơn vị mình đã sẵn sàng chuyển đổi số chưa và hiện sở hữu tiềm lực như nào?", ông nói.

Ông Trần Huy Bảo Giang - Giám đốc chuyển đổi số FPT.

Ông Trần Huy Bảo Giang - Giám đốc chuyển đổi số FPT. Ảnh: Tuấn Cao

Theo ông Giang, các doanh nghiệp nhỏ có ưu thế là quy trình ra quyết định nhanh, mô hình kinh doanh linh hoạt, tuy nhiên lại gặp phải hạn chế về mặt nguồn lực như tệp khách hàng và công cụ chưa đủ đáp ứng. Tại các công ty nhỏ, đôi khi có những vấn đề không thực sự cần đến công nghệ để giải quyết. "Đừng nhìn vào những thứ công nghệ hào nhoáng mà cần nhìn bản chất và năng lực nội tại của doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định", ông nói.

Từ góc nhìn của một công ty khởi nghiệp, ông Đoàn Văn Tuấn - Trưởng phòng phân tích starup HeyU cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng doanh nghiệp phải xem xét vấn đề mình gặp phải có lớn hay không rồi mới nghĩ đến việc chuyển đổi số. Trước tiên nên kết hợp với các nền tảng sẵn có, tận dụng trong chính hệ sinh thái để giải quyết vấn đề của mình.

Ông Đoàn Văn Tuấn – Trưởng phòng phân tích starup HeyU

Ông Đoàn Văn Tuấn - Trưởng phòng phân tích starup HeyU. Ảnh: Tuấn Cao

Trong bối cảnh Covid -19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, các chuyên gia nhận định, đây không phải là giai đoạn để các doanh nghiệp "ngủ đông" mà thực ra là "sóng ở đáy sông". Là cơ hội để mỗi đơn vị nhìn lại doanh nghiệp có gì chưa tốt cần phải chỉnh sửa.

Đại diện HeyU cho biết, với nền tảng công nghệ sẵn có và biết nắm bắt cơ hội, trước và trong dịch Covid - 19, startup đều tăng trưởng 25% mỗi tháng. Các công ty lớn sẽ gặp các vấn đề lớn, vì vậy, có thể tư duy như thời điểm này là cơ hội để thiết lập lại thị trường.

Là người tham gia vào hoạt động thúc đẩy các startup,  đại diện Thinkzone Vertures nhận định có nhiều cơ hội trong quá trình chuyển đổi số. "Trong quá trình thực hiện sẽ không tránh được thất bại, song không ít doanh nghiệp sớm thành công khi chuyển đổi số. Xu hướng này đi rất nhanh, nếu tăng trưởng nóng sẽ dễ thất bại, nhưng nếu thành công sẽ tăng trưởng mạnh. Vì vậy, điều quan trọng là hiểu rõ khách hàng, hệ sinh thái và môi trường kinh doanh để đảm bảo tỷ lệ thành công khi chuyển đổi số", ông Đô cho biết.

Bùi Thành Đô - Nhà đồng sáng lập & CEO Thinkzone Ventures. Ảnh: Tuấn Cao.

Bùi Thành Đô - Nhà đồng sáng lập & CEO Thinkzone Ventures. Ảnh: Tuấn Cao.

Tọa đàm "Chuyển đổi số - từ cơn sốt đến thực tế" nằm trong chuỗi tọa đàm trực tuyến do VnExpress tổ chức, trong khuôn khổ chương trình bình chọn Startup Việt 2020. Chương trình chính thức khởi động từ 22/5, "hâm nóng" cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Startup Việt 2020 mở đơn đăng ký từ nay đến 10/7. Dự kiến đầu tháng 2 diễn ra Gala Summit - Global Funding Camp kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt với 30 nhà đầu tư quốc tế. Hàng trình 6 tháng tới quy tụ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp danh tiếng nhằm cung cấp cho startup tham dự góc nhìn, chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm để tăng trưởng mạnh trong thời đại "bình thường mới".

Startup đăng ký tham gia Startup Việt 2020 tại đây.

Hoàng Anh