Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ năm, 26/9/2019, 15:16 (GMT+7)

Người dân quê nhà viếng phi công Nguyễn Văn Bảy

Đồng ThápHàng trăm người đã đến UBND huyện Lai Vung đón linh cữu đại tá anh hùng Nguyễn Văn Bảy trở về quê nhà, ngày 26/9.

10h, xe chở linh cữu đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - không quân) về đến hội trường UBND huyện Lai Vung, quê nhà của ông. Trước đó, lễ viếng ông đã được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, TP HCM.

Từ cổng hội trường, lực lượng quân đội, người nhà cùng xếp hai hàng, cúi đầu chào khi xe chở linh cữu đi qua. Trong tiếng quân nhạc, đội tiêu binh mang theo quốc kỳ, di ảnh và những huân chương của ông Bảy tiến vào hội trường.

Lễ viếng đại tá Nguyễn Văn Bảy tại quê nhà diễn ra từ sáng 26 đến 10h30 ngày 27/9. Sau đó, ông sẽ được an táng trên phần đất gần căn nhà ông sinh sống lúc cuối đời, thuộc ấp xã Tân Dương, huyện Lai Vung.

Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thắp nhang viếng linh cữu và chia buồn cùng gia đình đại tá Nguyễn Văn Bảy.

Bày tỏ sự thương tiếc trong sổ tang, ông Trương Vĩnh Trọng viết: "Tôi về Đồng Tháp công tác một thời gian ngắn nhưng rất hân hạnh được gặp anh. Lần nào gặp anh cũng để lại trong lòng tôi những tình cảm sâu sắc. Hôm nay anh ra đi chúng tôi rất buồn và thương tiếc".

Nhiều người dân, hàng xóm, đồng nghiệp... của phi công Nguyễn Văn Bảy đã có mặt từ sáng, chờ viếng ông.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng kính cẩn đi một vòng trước linh cữu đại tá phi công. "Bác Bảy ở gần nhà tôi, đời thường ông ấy giản dị, chân chất lắm. Mấy hôm trước bác còn khỏe khoắn, vẫn đi làm vườn bình thường", chị Hồng ngậm ngùi nói.

Viết trong sổ tang, Trung tướng Nguyễn Việt Quân (69 tuổi, nguyên chánh ủy Quân khu 9) đề tự bài thơ do mình sáng tác:

"Bạn thù khắp năm châu kính phục/ Tự hào thay người con đất thành đồng/ Làm rạng danh cho chín rồng bất tử/ Con cháu khắc sâu khí phách anh hùng".

Bà Trần Thị Niên (vợ ông Bảy) cảm ơn những người đến viếng chồng mình. Ông Bảy có ba người con (hai trai, một gái). Hai người con trai làm việc ở TP HCM, con gái lấy chồng ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp). Căn nhà ở quê nơi hai vợ chồng ông Bảy sống từ khi nghỉ hưu giờ chỉ còn mình bà Niên.

Ở sân hội trường, hơn 30 tấm ảnh tư liệu về gia đình, sự nghiệp phi công 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ được trưng bày. "Tui với ông Bảy hồi nhỏ là học chung lớp tiểu học. Ông ấy từ trẻ đã bộc lộ sự thông minh, không qua trường lớp bài bản vậy mà lái máy bay rất giỏi", ông Nguyễn Văn Kiều (80 tuổi) chia sẻ.

Bà Thu Hồng, gọi ông Bảy bằng chú bật khóc khi nhìn những tấm ảnh về cuộc đời anh hùng phi công. "Cả gia đình ai cũng tự hào về chú", bà nói.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (55 tuổi) mang theo tấm hình cả gia đình chụp chung với ông Bảy. "Tấm này chụp sau năm 1975, khi tôi vừa 18 tuổi. Nhớ hồi nhỏ, bác Bảy thường qua nhà tôi chơi. Bác sống hiền lành, giản dị lắm. Chúng tôi vô cùng nể phục bác cả trong thời chiến và thời bình", bà Mai chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936, tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình 10 người con. Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACE - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.

Trong hai năm 1966-1967, ông Bảy bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105, 5 chiếc F-4) và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Sau khi nghỉ hưu năm 1990, ông Bảy về quê nhà trồng rau, nuôi cá, sống cuộc đời bình dị. Ông qua đời tại Bệnh viện Quân Y 175 tại TP HCM tối 22/9, sau 6 ngày nhập viện vì xuất huyết não.

Quỳnh Trần