Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 12/9/2018, 10:36 (GMT+7)

Dây chuyền làm 100.000 trống trung thu mỗi năm ở Hưng Yên

Ba gia đình ở Hưng Yên chia nhau các công đoạn làm trống trung thu truyền thống, cung cấp hơn 100.000 sản phẩm mỗi năm.

Gia đình anh Vũ Huy Tự (42 tuổi) ở thôn Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) có bốn đời làm trống phục vụ thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu. Anh và mẹ phụ trách công đoạn đầu là tạo khuôn gỗ của trống.

Mẹ của anh Huy Tự dùng dao đẽo các khối gỗ thành hình tròn để tạo khuôn trống.

Các khuôn gỗ sau đó được đem đi tiện bằng máy, giúp cho phần mặt ngoài thân trống được nhẵn mịn.

Để tạo thân trống dày ở giữa, thuôn gọn dần về phía hai mặt trống, anh Huy Tự dùng một thanh sắt mài nhọn để bào khuôn trống.

Khuôn gỗ sau khi thành hình được phơi nắng và sơn phủ chống mối mọt.

Ở công đoạn thứ hai, mặt trống được làm tại gia đình ông Nguyễn Đình May. Mặt trống làm từ da trâu và được phơi nắng thật khô trước đó.

Ông Nguyễn Đình May đang cố định mặt trống vào khuôn. Ông cho hay, khi làm mặt trống thì tuyệt đối không được để dính nước, "loại mặt trống này mà để dính nước thì đánh rất dễ thủng”.

Những năm trước đây, để gắn da trâu vào thân trống người dân thường dùng tre vót nhọn. Ngày nay với các loại trống nhỏ thì họ dùng máy ghim.

Công đoạn cuối cùng, mặt trống khi đã cố định vào khuôn thì sản phẩm được chuyển đến nhà ông Vũ Huy Linh (bố của anh Vũ Huy Tự) để sơn màu và làm quai trống.

Người thợ dùng búa đóng nhẹ để tạo quai trống.

Ba gia đình (anh Huy Tự, ông May và ông Linh) mỗi năm làm được khoảng hơn 100.000 chiếc trống, mỗi chiếc được bán giá 100.000 đồng.

Trống thành phẩm được thương lái ở Hà Nội đến thu mua.

“Sau một thời gian bị hàng Trung Quốc áp đảo, gần đây loại trống này bán chạy trở lại vì mọi người thích sử dụng đồ chơi truyền thống”, anh Huy Tự cho hay.

Gia Chính