Thứ ba, 16/4/2024
Thứ sáu, 24/1/2020, 14:55 (GMT+7)

Lễ cúng tất niên của một gia đình Hà Nội

Mâm cúng tất niên được trang trí nhiều màu sắc, với các món truyền thống không thể thiếu như canh măng, xôi gấc, nem rán, dưa hành...

Sáng 24/1 (30 Tết), gia đình bà Trịnh Thị Thảo (ngõ Văn Chương, quận Đống Đa) làm cơm cúng tất niên, tiễn năm cũ Kỷ Hợi đón năm mới Canh Tý. Nhiều ngày trước, bà đã rải rác đi chợ sắm đồ để tránh cận tết giá cao. Mâm cúng tất niên với gia đình quan trọng không kém mâm cúng giao thừa.

Sáng sớm, ông Đào Văn Hùng chồng bà chuẩn bị một nồi nước rau mùi, một phần để rửa mặt, một phần được đun lên để nhà cửa thơm tho trong lành.

Cúng tất niên không thể thiếu món cơm trắng.

Bà Thảo cho biết: "Gia đình được phân ngôi nhà tập thể trong ngõ Văn Chương, ở đây từ những năm 1972. Quê bà ở Hà Tây cũ còn quê chồng ở Lạng Sơn, bà mới chỉ về quê ăn tết hai lần. Gia đình cúng tất niên buổi trưa để chiều các con dâu rể có dịp về ăn tất niên được cả nội cả ngoại".

Các thành viên trong gia đình dậy từ sáng sớm cùng chuẩn bị cho mâm cúng tất niên. Nếu ngày thường bà là đầu bếp, riêng dịp này các con trong gia đình bà là đầu bếp chính.

10h những món ăn được nấu và trang trí xong, thành viên của gia đình đưa lên gian thờ để bày biện mâm cỗ.

"Mâm bên dưới cúng đồ mặn, bên trên có hoa quả. Mâm gia tiên thường bày 8 bộ bát đũa ăn cơm theo phong tục. Đồ ăn và hoa quả phải là đồ đã chín, không cúng đồ sống và hoa quả xanh, nước thì phải là nước sạch có thể uống được", ông Hùng nói.

15 món ăn được bày biện, trong đó có những món không thể thiếu như canh măng, xôi gấc, nem rán, hành muối... 

Ban thờ của gia đình bà những ngày này luôn được giữ ấm bằng đèn dầu.

Các thành viên trong gia đình làm lễ trước tổ tiên.

Bà đọc bài khấn 30 tết để mời ông bà tổ tiên về đón tết cùng gia đình.

Gia đình bà Thảo không đốt vàng mã. Khi hương gần tàn, mâm cỗ cúng được hạ xuống, cả nhà quây quần ăn trưa thọ lộc, cùng ôn lại những vui buồn năm đã qua. 

Ngọc Thành